banner nắn chỉnh cột sống ycotlienkhoa.com

Lục Đại Danh Y trong Y Học Cổ Truyền

Lục Đại Danh Y : Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Hoa Đà, Lý Thời Trân, Trương Trọng Cảnh ,Biển Thước. 6 vị tôn sư trong Y Học Cổ Truyền

Tìm hiểu về LỤC ĐẠI DANH Y trong Y Học cổ truyền

Danh y Tuệ Tĩnh


Tuệ Tĩnh Thiền sư ( 1330 - 1400 ) là một lang y sống ở giai đoạn cuối thời Trần. Ông được hậu thế suy tôn là tiên thánh của ngành thuốc Nam. Tại Hải Dương, còn đền thờ ông ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, ở chùa Hải Triều làng Yên Trung, nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, Và khu B trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương có tượng Tuệ Tĩnh. Câu đối thờ ông ở đền Bia viết, dịch nghĩa như sau :


 Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh
Sống nhờ của Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm giang



Tiểu sử

Tuệ Tĩnh vốn có nguyên danh là Nguyễn Bá Tĩnh, tự Linh Đàm, hiệu Tráng Tử Vô Dật, Hồng Nghĩa, quán tại hương Xưa, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng ( nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương ).

Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

Năm 55 tuổi ( 1385 ), với trí tuệ uyên bác trong ngành y thuật của mình, Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc nhưng không rõ năm nào.

Tuệ tĩnh xót thương cho số phận của mình và luôn đau đáu nỗi niềm một ngày được quay lại quê hương, thoát khỏi cảnh đất khách quê người thể hiện qua việc ông đã khóc trong lễ nhậm chức của mình tại triều đình nhà Minh và cho tới ngày nay, trên bia mộ của ông vẫn còn dòng chữ " Ai về nước Nam cho tôi về với ".

Năm 1690 tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Trung Hoa, tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh, nhận ra là người cùng làng. Cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị danh y, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về quê Hải Dương bây giờ.

Công trình y dược

Những năm ở trong nước, Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc: trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư ( 2 quyển ) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật, và bài " Phú thuốc Nam " 630 vị cũng bằng chữ Nôm. Thơ văn Nôm đời Trần rất hiếm, nếu quả thực đó là tác phẩm của Tuệ Tĩnh thì chúng không chỉ giá trị trong y học mà còn là tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn học bởi vì đây là các tác phẩm ở thời kì đầu của văn học chữ Nôm.

Từ bao đời nay, giới y học Việt Nam và nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. Câu nói của ông : " Nam dược trị Nam nhân " thể hiện quan điểm đầy biện chứng về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh. Quan điểm ấy dẫn dắt ông lên ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam : Ông Thánh thuốc Nam ! Trong trước tác của mình, ông không rập khuôn theo các trước tác của các đời trước, Ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu mà xếp các cây cỏ trước tiên ! Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông, v.v...

Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án : 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ :

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình

Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc của Việt Nam.

* Chia sẻ Sách : Click => Tuệ Tĩnh toàn tập





Danh y Hải Th�ợng Lãn Ông

Ông là nhà y học có học vấn uyên bác, nhà dược học nổi tiếng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân đạo, có ý chí độc lập sáng tạo trong nghiên cứu...


Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn ông. Sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý ( 11-12-1720 ) tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Nay là xã Hoàng Hữu Nam huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, ông sống nhiều ( từ năm 26 tuổi đến lúc mất ) ở quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn và cũng qua đời ở đây vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi ( 1791 ) thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở Khe nước cạn chân núi Minh Từ thuộc huyện Hương Sơn ( cách phố Châu huyện lỵ Hương Sơn 4 cây số ).




Lê Hữu Trác là con thứ bảy của Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thưởng.

Dòng họ của ông có truyền thống khoa bảng; ông nội, bác, chú ( Lê Hữu Kiều ), anh và em họ đều đỗ tiến sĩ và làm quan to. Cha Lê Hữu Trác đỗ đệ tam giáp tiến sĩ làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức ngự sử, tước bá, khi mất được truy tặng Thượng thư.

Năm Kỷ Mùi ( 1739 ) Lê Hữu Trác 20 tuổi thì cha qua đời, ông rời kinh thành về nhà, vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách, thi vào tam trường, sau đó không thi nữa.

Năm 1739 cũng là năm mở ra quy mô lớn của phong trào nông dân nổi dậy chống phong kiến, chỉ một năm sau ( 1740 ) nghĩa quân của Hoàng Công Chất đánh sát huyện ông. Chàng thư sinh trẻ tuổi Lê Hữu Trác đang mê mải đèn sách phải lánh đi nơi khác đọc sách. Có người thấy thế đã bảo ông " Binh lửa khắp nơi, con trai thời loạn há chịu già đời ở trong phòng sách mãi sao ? " và khuyên ông nên theo nghề võ. Từ đó ông vừa dùi mài kinh sử vừa nghiên cứu binh thư. Sau nhờ ẩn sĩ họ Vũ ở Đặng Xá dạy vũ thuật âm dương ( phép bói toán độn số ), ông " nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình " ( Tựa "Tâm lĩnh" ).

Chiến tranh phong kiến đã gây đau thương chết chóc cho biết bao nhiêu gia đình làng xóm, nó không đem lại gì cho nhân dân, cho đất nước; đã làm cho Lê Hữu Trác chán nản muốn ra khỏi quân đội, nên ông đã nhiều lần từ chối sự đề bạt của tướng nhà Trịnh. Ông nhận ra theo Lê hay Trịnh cũng là chí theo đuổi chiến tranh " cốt nhục tương tàn ", cái chí mạnh " xung Ngưu Đẩu " của ông cũng hóa " ngông cuồng " mà thôi. ( Đọc bài thơ trong lời tựa bộ " Tâm lĩnh " ). Cho nên năm 1746 khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh, để xin ra khỏi quân đội, thực sự " bẻ tên cởi giáp " theo đuổi chí hướng mới.

Lê Hữu Trác bị bệnh từ lúc ở trong quân đội, giải ngũ về phải gánh vác công việc vất vả " trăm việc đổ dồn vào mình, sức ngày một yếu " ( Lời tựa " Tâm lĩnh " ), lại sớm khuya đèn sách không chịu nghỉ ngơi, sau mắc cảm nặng, chạy chữa tới hai năm mà không khỏi. Sau nhờ lương y Trần Độc, người Nghệ An là bậc lão nho, học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ, trở về học thuốc, nhiệt tình chữa khỏi.

Trong hơn một năm chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi ông đọc sách thuốc " Phùng thị cẩm nang " hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc thấy lạ, muốn đem hết cái hiểu thấu về y học truyền cho ông. Vốn là người thông minh học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời, nên ông quyết chí học thuốc. ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu Lãn ông ( ông lười ) ý nói lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó.

Giữa cảnh thiên nhiên tĩnh mịch của núi rừng Hương Sơn, sớm khuya mê mải đọc các sách thuốc : Y học nhập môn, Cảnh nhạc toàn thư, Nam dược thần hiệu ( của Tuệ Tĩnh ), Bảo sinh diệu toản yếu...
Hải Thượng Lãn ông muốn tìm thầy, tìm bạn để học thêm nhưng nơi núi rừng hẻo lánh " trên không có thầy giỏi để học, dưới không có bạn hiền giúp, chỉ một mình nói với mình, tự hỏi tự đáp mò mẫm tưởng tượng đủ thứ " ( Lời tựa "Tâm lĩnh" ) để tìm ra chân lý. Sau ông nhờ một ông lang ở làng bên đi lại thân mật, giúp ông giải đáp những mắc mớ, vài ba năm sau ông đã chữa được một số bệnh thông thường trong gia đình và làng xóm.

Mùa thu năm Bính Tý ( 1754 ) Lê Hữu Trác ra kinh đô mong tìm thầy để học thêm vì ông thấy y lý mênh mông nhưng không gặp được thầy giỏi, ông đành bỏ tiền mua một số phương thuốc gia truyền, trở về Hương Sơn " từ khước sự giao du, đóng cửa để đọc sách " ( Tựa "Tâm lĩnh" ), vừa học tập và chữa bệnh. Mười năm sau tiếng tăm của ông đã nổi ở vùng Hoan Châu ( Nghệ An ).


                             click=> + Hải Thượng Lãn Ông tâm lĩnh tập 2

Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển : Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ, tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc, kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc. Sau hơn chục năm viết nên bộ "Lãn ông tâm lĩnh" gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học : Y đức - Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Phần quan trọng nữa của bộ sách phản ảnh sự nghiệp văn học và tư tưởng của Hải thượng Lãn ông.

Ngày 12 tháng giêng năm Cảnh Hưng 43 ( 1782 ) Lãn ông nhận được lệnh chúa triệu về kinh. Lúc này ông đã 62 tuổi, sức cũng yếu lại là người chăm lo chữa bệnh cho trăm họ, nhất là ông đã quyết chí xa lánh công danh, theo đuổi nghiệp y đã mấy chục năm nên ông nhận chiếu chỉ của chúa Trịnh với tâm trạng vừa lo lắng, vừa chán nản, mãi sau nghĩ đến bộ " Tâm lĩnh " chưa in được, mà ông " không dám truyền thụ riêng ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết, nhưng việc thì nặng sức lại mỏng, khó mà làm được " ( Thượng kinh ký sự ), nên ông hy vọng lần đi ra kinh đô có thể thực hiện việc in bộ sách, phần " con cái trong nhà cũng hết sức van nài ", ông tạm làm vui từ giã gia đình, học trò rời Hương Sơn lên đường.

Ra kinh vào phủ chúa xem mạch và kê đơn cho thế tử Trịnh Cán, ông được Trịnh Sâm khen " hiểu sâu y lý " ban thưởng cho ông 20 xuất lính hầu, và bổng lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông lại. Nhưng Lãn ông thấy nếu nhận thưởng chịu ơn thì khó lòng rời kinh đô trở lại Hương Sơn được, nên ông giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già mắt hoa, tai điếc thường ốm yếu để được trọ ở ngoài.

Bọn ngự y ghen tỵ với Lãn ông không chịu chữa theo đơn của ông, nên thế tử không khỏi, ông biết thế nhưng không hề thắc mắc với bọn thầy thuốc thiếu lương tâm này, mặt nữa ông không thật nhiệt tình chữa, kết quả để sớm thoát khỏi vòng cương tỏa của quyền thần, danh lợi.

Thời gian ở kinh đô, Lãn ông muốn về thăm cố hương Hải Dương của mình, nhưng mãi đến tháng 9 năm 1782, sau chúa Trịnh mới cho phép ông về. Sau hơn 20 năm xa cách, được trở về mảnh đất " chôn nhau cắt rốn ".
Đang sống giữa quê hương, ông lại có lệnh triệu về kinh vì Trịnh Sâm ốm nặng. Nhận được lệnh triệu, ông đành phải rời quê hương.

Về kinh ông chữa cho Trịnh Sâm khỏi và cũng miễn cưỡng chữa tiếp cho Trịnh Cán. Trịnh Sâm lại trọng thưởng cho ông. Ông bắt buộc phải nhận nhưng bụng nghĩ : " Mình tuy không phải đã bỏ quên việc ẩn cư, nhưng nay hãy tạm nhận phần thưởng rồi sau vứt đi cũng được " ( Thượng kinh ký sự ).

Trịnh Sâm chết vì bệnh lâu ngày sức yếu, Trịnh Cán lên thay, nhưng Trịnh Cán cũng ốm dai dẳng nên " khí lực khô kiệt ", khó lòng khỏe được, lại nóng lòng trở về Hương Sơn, Lãn ông đang tìm kế thoái lui, thì may có người tiến cử một lương y mới, ông liền lấy cớ người nhà ốm nặng rời kinh.

Hải Thượng Lãn ông trở về Hương Sơn bằng đường thủy, nhưng sợ triều đình bắt trở lại ông phao tin đi đường bộ. Thoát khỏi kinh đô ông sung sướng như " chim sổ lồng, cá thoát lưới ", lòng chỉ muốn " bay nhanh " về quê nhà.

Ngày 2 /11/1782 Lãn ông về đến Hương Sơn. Gần một năm sống giữa kinh đô phong kiến biết bao công danh phú quý lôi kéo, nhưng ông " thung dung " ra đi lại " ngất ngưởng " trở về, lòng trong không hề đục, chí lớn không hề sờn.

Năm 1783 ông viết xong tập " Thượng kinh ký sự " ghi lại tỉ mỉ chuyến đi kinh, tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá. Mặc dầu tuổi già, công việc lại nhiều: chữa bệnh, dạy học, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, viết thêm ( tập Vân khi bí điển, năm 1786 ) để hoàn chỉnh bộ " Tâm lĩnh ". Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại.

Những đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Ông là nhà y học có học vấn uyên bác, nhà dược học nổi tiếng, nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân đạo, có ý chí độc lập sáng tạo trong nghiên cứu.
Phát huy truyền thống của Tuệ Tĩnh, ông đã sưu tầm phát hiện thêm 300 vị thuốc nam ( Lĩnh Nam bản thảo ) đồng thời tổng hợp thêm 2854 phương thuốc kinh nghiệm phổ biến cho nhân dân áp dụng " Hành giản trân nhu và Bách gia trân tàng ". Ông cũng đã có những sáng tạo đặc sắc trong việc vận dụng lý luận y học vào thực tiễn Việt Nam.

Cái quý nhất trong việc đào tạo lớp lương y mới, Lãn Ông chú trọng xây dựng y đức người thầy thuốc, ông thường nói

" Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ c��a mình không nên cầu lợi kể công "

Những lời răn của Hải Thượng Lãn Ông

" Thường thấy kẻ làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo, hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp, bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó chữa bảo là không chữa được, giở lối quỷ quyệt ấy nhằm thoả mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu sang, thì tỏ tính sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo hèn thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi, đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được...

" Nghề làm thuốc là nhân thuật, thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người làm điều hay. Cứu được một người thì khoa chân, múa tay cho mọi người biết " nhỡ có thất bại thì giấu đi. Thường người ta hay giấu các điều xấu của mình mà không đem sự thực nói với người khác. Riêng tôi dám nói là thoát khỏi những thói đó chăng, là vì tôi không theo con đường khoa cử nối dõi nghiệp nhà, chuyển hướng ra làm thuốc nên chỉ muốn hết sức làm những việc đáng làm, may ra khỏi hổ thẹn với đất trời, đâu dám e ngại sự chê khen, để phải hối hận với bổn phận...

" Nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người. sống chết trong tay mình nắm, họa phúc trong tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà làm liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng ".

8 tội người thầy thuốc cần tránh

- Có bệnh xem xét đã rồi mới cho thuốc, vì ngại đêm mưa vất vả không chịu thăm mà đã cho phương, đó là tội lười.
- Có bệnh cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ con bệnh nghèo túng không trả được vốn nên chỉ cho thuốc rẻ tiền, đó là tội bủn xỉn.
- Khi thấy bệnh chết đã rõ, không bảo thực lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là tội tham lam.
- Thấy bệnh dễ chữa nói dối là khó chữa, dọa người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là tội lừa dối.
- Thấy bệnh khó đáng lẽ nói thực rồi hết lòng cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng không biết thuốc, vả lại chưa chắc chắn đã thành công, không được hậu lời nên không chịu chữa đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội bất nhân.
- Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình khi mắc bệnh phải nhờ đến mình liền nghĩ ra ý nghĩ oán thù không chịu chữa hết lòng, đó là tội hẹp hòi.
- Thấy kẻ mồ côi goá bụa, người hiền, con hiếm mà nghèo đói ốm đau cho là chữa mất công vô ích không chịu hết lòng, đó là tội thất đức.
- Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát.

Hải Thượng Lãn ông đã đề ra 9 điều dạy trong " Y huấn cách ngôn " để răn dạy người thầy thuốc mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.

9 ĐIỀU Y HUẤN CÁCH NGÔN - HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG !!!

1- Phàm người học thuốc, tất phải hiểu thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận đạo Nho thì học thuốc mới dễ. Khi có thời giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu các sách thuốc xưa nay. Luôn luôn phát huy biến hóa, thu nhập được vào Tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc làm mà không phạm sai lầm.

2- Được mời đi thăm bệnh : nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà nơi đến trước chỗ tới sau hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém khi lòng mình có chỗ không thành thật, thì khó mong thu được kết quả.

3- Khi xem bệnh cho phụ nữ, góa phụ, ni cô... cần phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng để thăm bệnh để tránh hết sự nghi ngờ. Dù cho đến con hát, nhà thổ cũng vậy, phải đứng đắn coi họ như con nhà tử tế, không nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm.

4- Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp đỡ người, không nên tự ý cầu vui như mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh, vắng nhà chốc lát, lỡ có bệnh cấp cứu làm cho người ta sốt ruột mong chờ, nguy hại đến tính mạng con người. Vậy cần biết nhiệm vụ mình là quan trọng như thế nào.

5- Phàm gặp phải chứng bệnh nguy cấp, muốn hết sức mình để cứu chữa, tuy đó là lòng tốt, nhưng phải nói rõ cho gia đình người bệnh biết trước rồi mới cho thuốc. Lại có khi phải cho không cả thuốc, như thế thì người ta sẽ biết cảm phục mình. Nếu không khỏi bệnh cũng không có sự oán trách và tự mình cũng không hổ thẹn.

6- Phàm chuẩn bị thuốc thì nên mua giá cao để được loại tốt. Theo sách Lôi Công để bào chế và bảo quản thuốc cho cẩn Thận. Hoặc theo đúng từng phương mà bào chế, hoặc tùy bệnh mà gia giảm. Khi lập ra phương mới, phải phỏng theo ý nghĩa của người xưa, không nên tự lập ra những phương bữa bãi để thử bệnh. Thuốc sắc và thuốc tán nên có đủ. Thuốc hoàn và thuốc đơn nên chế sẵn. Có như thế mới ứng dụng được kịp thời, khi gặp bệnh khỏi phải bó tay.

7- Khi gặp bạn đồng nghiệp, cần khiêm tốn, hòa nhã, giữ gìn thái độ kính cẩn, không nên khinh nhờn. Người lớn tuổi hơn mình thì kính trọng; người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng; người kém mình thì dìu dắt họ. Giữ được lòng đức hậu như thế, sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho mình.

8- Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hoặc những người mồ côi, góa bụa, hiếm hoi, càng nên chăm sóc đặc biệt. Vì những người giàu sang không lo không có người chữa, còn người nghèo hèn thì không đủ sức đón được thầy giỏi, vậy ta để tâm 1 chút họ sẽ được sống 1 đời. Còn như những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc, lại còn tùy sức mình chu cấp cho họ nữa. Vì có thuốc mà không có ăn thì cũng vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện mới đáng gọi là nhân thuật. Còn những kẻ vì chơi bời phóng đãng mà nghèo và mắc bệnh thì không đáng thương tiếc lắm.

9- Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí bất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc cho người ta để cầu lợi thường hay sinh chuyện. Cho nên nghề thuốc là thanh cao, ta càng giữ khí tiết cho trong sạch. Tôi xét lời dạy bảo của các bậc tiên hiền về lòng tử tế và đức hàm dục, rèn luyện cho mình rất chặt chẽ và đầy đủ. Đạo làm thuốc là 1 nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công. Tuy không có sự báo ứng ngay nhưng để lại âm đức về sau. Phương ngôn có câu : " Ba đời làm thuốc có đức thì đời sau con cháu tất có người làm nên khanh tướng " đó phải chăng là do có công vun trồng từ trước chăng " Thường thấy người làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp : bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó bảo là không trị được, giở lối quỷ quyệt đó để thỏa mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu thì tỏ tình sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi ! Đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán, như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được ! ".

(Hải Thượng Lãn Ông )


DANH Y LÝ THỜI TRÂN


Ông sinh trưởng trong gia đình theo nghề thầy thuốc. Khi Lý Thời Trân sinh ra, có một con nai trắng đi vào phòng. Kể từ khi còn nhỏ, Lý Thời Trân đã được cho là có mệnh học thứ gì đó liên quan đến trường sinh bất tử.

Lý Thời Trân, tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu ( nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu ). Ông là nhà y dược học vĩ đại của Trung Quốc xưa và của cả thế giới, có viết quyển sách y dược học nổi danh  " Bản Thảo Cương Mục ". Ông là con nhà thế y. Nguyện vọng của ông là trở nên một thầy thuốc cứu người đời giống như cha ông. Nhưng mà đương thời, trong dân gian, địa vị người thấy thuốc rất thấp, nhà họ thương bị quan lại khinh khi Vì vậy, cha ông quyết định cho ông học thi cử làm quan cho có địa vị với người ta. Ông không dám cãi ý cha. Năm 14 tuổi, ông đỗ tú tài. Sau đó, ba lần thi cử nhân đều không đỗ. Ông bèn khẩn cầu cha xin cho ông được chuyên học y. Cha ông không biết làm thế nào, chịu cho ông làm theo nguyện vọng. Sau mười mấy năm học tập khắc khổ, năm trên 30 tuổi, ông là một thầy thuốc nổi tiếng vùng mình ở.




Năm 1551, ông trị lành bệnh đứa con của Phú Thuận vương Chu Hậu Khôn mà nổi tiếng lớn, được Sở vương Cha Anh Kiểm ở Vũ Xuống mời làm Phụng từ chính ở vương phủ, Kiêm chúc Lương y sở sự vụ. Năm 1556, ông lại được tiến cử đến công tác ở Thái y viện với chức vụ Thái y viện phán. Trong thời gian này, ông có cơ hội xem khắp các điển tịch phong phú, các sách quý của vương phủ và hoàng gia, trích lục 1 không ít tư liệu, đồng thời đã xem được rất nhiều mẫu dược vật mà ngày thường khó thấy được, mở rộng tầm mắt, phong phú hóa lĩnh vực tri thức của mình. Nhung vì ông vốn không thích công danh nên làm việc ở Thái y viện không đầy năm lại từ chức về nhà chuyên tâm viết sách. Trong quá trình mấy mươi năm hành nghề và duyệt đọc sách y cổ điển, ông phát hiện rằng sách bản thảo xưa còn có nhiều sai lầm nên quyết tâm biên soạn lại một bộ sách " bản thảo " . Năm 35 tuổi, ông sắp xếp chương trình công tác, sưu tập cùng khắp, rộng rãi, đọc một số lượng lớn sách tham khảo, bắt đầu biên soạn sách " Bản thảo cương mục ". Để biết rõ hình trạng, tính chất, mùi vị, công hiệu, v.v… của một số dược vật, ông mang giỏ thuốc, dắt con và đồ đệ Bàng Khoang ‘tìm hỏi bốn phương’, đi qua vô số thâm sơn cùng cốc, trải 27 năm nỗ lực lao động gian nan khó nhọc, trước sau sửa đổi bản cảo ba lần, sau cùng mới hoàn thành bộ sách lớn dược vật học vang danh trong và ngoài nước này vào năm 1578. Lúc này, ông đã 61 tuổi. Năm 1596, cũng là năm thứ ba sau khi ông qua đời, bộ sách  " Bản Thảo Cương Mục " chính thức ra đời tại Kim Lăng ( nay là Nam Kinh ), lập túc cả nước được tin, giới y gia xem là của báu, tranh nhau mua sách. Không lâu sau, sách lưu truyền khắp thế giới. Bộ sách này chẳng những là một cống hiến to lớn cho sự phát triển ngành dược vật học Trung Quốc, mà còn có ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển các ngành y học dược học, thục vật học, động vật học, khoáng vật học, hóa học của thế giới. Ông cũng có nghiên cứu về mạch học và kỳ kinh bát mạch, có viết các quyển " Tần Hồ Mạch Học " và " Kỳ Kinh Bát Mạch Khảo " đều được lưu truyền của y gia hậu thế. Ông mất năm 1593, hưởng thọ 75 tuổi.

Lý Thời Trân ( 1518-1593 )

Khai tiển từ tác phẩm Đào Hoằng Cảnh theo các phương diện khác biệt, những trường phái lý luận Trung y cạnh tranh nhau đã nở rộ một ngàn năm sau đó, tức là suốt các đời Tống, Kim, và Nguyên. Mỗi y sư của các trường phái này tập trung vào việc đơn giản hoá các mô tả căn nguyên của bệnh, chẳng hạn quy vào hàn và nhiệt; hoặc xác định nguyên nhân nội tại hay ngoại tại, và sau cùng là thành lập một nền dược học dựa trên lý thuyết Trung y cổ truyền.

Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân ( 1518-1593 ) đời Minh là một bách khoa thư, sưu tập và tăng bổ 952 nguồn tư liệu xa xưa về lĩnh vực y, dược, khoáng vật, dã kim, thực vật, và động vật. Trong từng tập bản thảo, Lý Thời Trân mô tả cách trị liệu cổ truyền của các dược thảo, động vật, khoáng vật. Ông mô tả ngoại hình của chúng, cách nuôi trồng, cách bào chế, các dược tính của chúng cũng như sự tương cận của chúng với các dược liệu khác, âm tính hay dương tính của chúng, và mức độ hiệu quả khi sử dụng chúng. Công trình đồ sộ này luôn được trân trọng trong giới y sư Trung y cũng như ở các trường y dược. Sau khi được khắc in ở Nam Kinh năm 1596, bộ y điển này được tái bản liên tục, lan truyền nhanh sang Nhật Bản và Triều Tiên. Hiện đã được dịch một phần hoặc toàn phần ra các ngôn ngữ Nhật, Triều Tiên, Latin, Anh, Pháp, Đức....


DANH Y HOA ĐÀ

Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, lại có tên Phu, sống vào thời Tam Quốc. Ông là người nước Bái (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông thông y thuật toàn diện, giỏi ngoại khoa, thủ thuật ( mổ xẻ ), được người sau tôn xưng là  " Ngoại Khoa Thánh Thủ " , " Ngoại khoa tỵ tổ ".

Thuở nhỏ ham đọc sách, tuổi trẻ du học ở Từ Châu, thông hiểu Kinh Thư và Dưỡng sinh. Tể tướng Trần Khuê và Thái úy Huỳnh Uyển của nước Bái từng tiến cử và mời Hoa Đà ra làm quan, đều bị ông từ chối. Ông quyết chí học thuốc cứu đời, trừ bệnh tật cho quần chúng.


Ông hành nghề khắp các vùng nay là các tỉnh An Huy, Giang Tô, Sơn Đông, Hà Nam, rất được nhân dân kính mến. Thừa tướng nhà Hán là Tào Tháo bị bệnh nhức đầu, trị lâu không khỏi, triệu Hoa Đà đến điều trị. Ông dùng phép châm trị ( chích kim ), chứng nhúc đầu hết ngay. Tào Tháo cử ông làm Thị y ( ở gần luôn bên mình để chăm sóc sức khoẻ ), ông không bằng lòng chỉ phục vụ một người, xin ra về không trở lại. Tào Tháo tức giận, giết hại ông.

Theo tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung thì Hoa Đà đã chữa bệnh cho Quan Vũ bằng cách mổ vai để nạo chất độc do mũi tên đâm vào trong lúc Quan Vũ vẫn bình thản đánh cờ tướng. Hoa Đà được cho là đã biết áp dụng kỹ thuật gây mê bằng một hỗn hợp rượu và thảo dược được gọi là ma phí tán
( 麻沸散 ), 1600 năm trước khi người phương Tây biết áp dụng kỹ thuật này trong phẫu thuật.

Cũng theo tiểu thuyết này, Tào Tháo khi được Hoa Đà khuyên nên mổ sọ để cạo chất độc đã nghi Hoa Đà muốn giết mình và tống ông vào ngục và giết chết Hoa Đà. Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hoa Đà vì cảm kích người gác ngục đã chăm sóc mình khi đang ở trong ngục nên đã truyền sách của mình cho người lính này. Tuy nhiên, do vợ của người lính đó sợ nếu chồng mình theo nghề y sẽ có kết cục bi thảm như Hoa Đà nên đã đốt mất, do đó tất cả sách vở của Hoa Đà về nghề y đã thất truyền.

Hoa Đà được cho là người sáng tác ra Ngũ Cầm Hí, tập luyện dựa theo động tác của năm loài vật: hổ, hươu, gấu, khỉ và chim

Hoa Đà không những tinh thông châm cứu, mà ở các khoa phụ sản, tiểu nhi, nội khoa tạp bệnh và ký sinh trùng bệnh… đều thấu hiểu đến nơi đến chốn.

Thành tựu lớn nhất của ông là ngoại khoa. Ông đã phát minh Ma Phí Tán và thi hành thủ thuật giải phẫu bụng của bệnh nhân ( đã bị gây tê nhờ tác dụng của Ma Phí Tán ) để trị liệu. Theo sử sách chép lại, ông có thể cắt bỏ cục bướu, may ruột, may bụng cho bệnh nhân. Đối với nhũng bệnh nội khoa, châm cứu và uống thuốc không khỏi, ông dùng thủ thuật trị liệu, trước hết cho bệnh nhân dùng rượu uống bột Ma Phí, đợi bệnh nhân mất hết tri giác như say rượu, mổ bụng ra, có bướu thì cắt bỏ, nếu đau dạ dày hoặc ruột thi cắt bỏ chỗ bệnh, xong rửa sạch may lại, trên vết mổ đắp một loại thuốc cao. Bốn năm ngày sau, vết mổ lành. Trong vòng một tháng, bệnh nhân có thể khôi phục sức khoẻ.

Từ thế kỷ thứ hai, thứ ba, Hoa Đà đã phát minh y thuật này, so với các y khoa gia phương Tây biết sử dụng thuốc gây mê đã sớm hơn trên 1600 năm.Như thế Hoa Đà chẳng những là người thứ nhất của Trung Quốc mà còn là người thứ nhất trên thế giới đã sử dụng thuật gây mê để giải phẫu bụng con người. Hoa Đà còn rất xem trọng tập luyện thể dục. Ông nhìn nhận là vận động vừa phải có thể trợ giúp tiêu hóa, thông sướng khí huyết, chẳng những dự phòng được bệnh tật, lại có thể kéo dài tuổi thọ. Đó là đạo lý ‘hộ xu bất đố, lưu thủy bất hủ ( chốt cửa không bị mối mọt, nước chảy không hôi thối ). Và ông đã mô phỏng động tác của hổ, nai, gấu, vượn, chim, sáng tạo bài thể dục " Ngũ Cầm Hí ". Đệ tử của ông là Ngô Phổ kiên trì tập luyện bài này sống đến trên 90 tuổi, tai vẫn thính, mắt vẫn sáng, răng vẫn chắc. Ông viết rất nhiều sách y, rất tiếc không được lưu truyền, đó là một tổn thất lớn lao cho nên y học Trung Quốc. Hiện tại còn thấy " Trung Tàng Kinh ", " Hoa Đà thần Y bí truyền ", v..v.. đều là ngươi sau mượn tên tiếng, không phải tự tay ông viết ra. Ông truyền dạy ba đệ tử : Phàn A giỏi châm cứu, Ngô Phổ viết " Ngô Phổ Bản Thảo ", Lý Đang Chi viết " Lý Đang Chi Dược Lục ". Hiện nay, người nghiên cứu tư tưởng học thuật của Hoa Đà chỉ là tham khảo sách vở của học trò ông thôi.



DANH Y  TRƯƠNG TRỌNG CẢNH

Tên là Cơ, người đời Đông Hán, quận Nam Dương ( nay là Hà Nam, Nam Dương ). Ông là tác giả quyển "  Thương Hàn Tạp Bệnh Luận ", một quyển sách y học rất có giá trị trong " Y học Bảo Khố " của Trung quốc. Được coi là một Thánh Y của Trung Y.



Thuở nhỏ ham học, mười mấy tuổi đầu đã thông hiểu nhiều sách, nhất là sách về y học. Đời Hán Linh đế, ông được tiến cử chức Hiếu Liêm, về sau là Thái thú Trường Sa. Nhưng cả đời ông chủ yếu là theo sự nghiệp y học. Lúc nhỏ, ông từng đọc thấy trong sách sử chuyện Biển Thước xem biết bệnh của Tề Hoàn hầu, ông hết sức khâm phục y thuật cao siêu của Biển Thước, giỏi xem khí sắc của người mà chẩn đoán bệnh tật, và nảy sinh ý niệm học ngành y. Ông theo học thuốc với người đồng hương là danh y Trương Bá Tổ, được thầy truyền dạy kinh nghiệm và kỹ thuật. Ông học giỏi đến mức, về mặt chẩn đoán và ra đơn thuốc điều trị vượt hơn cả người thầy. Ông hành nghề vào cuối đời Đông Hán. Lúc đó, các nước tranh nhau, chiến tranh liên miên làm cho bệnh dịch lưu hành, người ta chết rất nhiều, thậm chí chết hết cả họ. Gia tộc của ông có hơn 200 ngươi,từ năm Kiến An ( công nguyên 196 ) đến sau, chưa đầy 10 năm đã chết mất hai phần ba, trong đó chết vì bệnh thương hàn là bảy phần mười. Trước cảnh tượng đau thương ‘người đắm chìm trong tang tóc, muốn cứu mà không cứu được, ông càng quyết tâm tìm học. ông nghiên cứu sâu về các sách y học xưa như " Tố Vấn ", " Cửu Quyển ", " Bát Thập Nhất Nan ", " Âm Dương Đại Luận ", " Thai Lô Dược Lục ", rút ra những hiểu biết phong phú, rồi thu nhặt các phương thuốc danh tiếng xưa nay và các phương thuốc kinh nghiệm trong dân gian, kết hợp với kinh nghiệm của các y gia đương thời và của mình đã tích lũy trong nhiều năm, biên soạn một bộ sách thuốc vĩ đại chưa từng có ‘Thương Hàn Tạp Bệnh Luận’ bao quát hai phần là " thương hàn " và " tạp bệnh ". Sách viết xong, trải qua binh hỏa chiến loạn, bị mất đi phần nào. Về sau, ở đời Tấn, Vương Thúc Hòa lượm lặt, chỉnh lý, viết lại. Đến đời Tống là hai quyển sách thuốc hiện còn đến nay là ‘Thương Hàn Luận’ và " Kim Quỹ Yếu Lược ".

Quyển " Thương Hàn Tạp Bệnh Luận " của Trương Trọng Cảnh đã tổng kết một cách có hệ thống những kinh nghiệm phong phú của ngành y học Trung Quốc từ đời nhà Hán trở về trước, xác định nguyên tắc cơ bản của Trung y, biện chứng điều trị, đã phong phú hóa và phát triển lý luận y học và phương pháp trị liệu, đặt vững cơ sở các khoa lâm sàng của Trung y, là một bộ kinh điển y học trứ danh. Bộ sách đã cống hiến lớn lao cho sự phát triển học thuật Trung y. Hơn 1700 năm nay, sách này luôn được y giới các đời tôn sùng.

Trước mắt, sách này vẫn là một tài liệu dạng học kinh điển chủ yếu của Học viện Trung y Trung Quốc. Đối với y học thế giới, nhất là sự phát triển ngành y của các nước châu Á, sách " Thương Hàn Tạp Bệnh Luận " cũng có ảnh hưởng sâu xa. Nhật Bản đến nay vẫn thích dùng các đơn thuốc của Trương Trọng Cảnh để trị bệnh.



                       Thần Y BIỂN THƯỚC


TÚ ĐẠI DANH Y CỦA TRUNG QUỐC - THẦN Y BIỂN THƯỚC

Biển Thước ( 401-310  – Nguyên tên là Tần Việt Nhân, người Châu Mạc, huyện Bột, Hải, nước Tề, vào đầu thời chiến Quốc. Lúc thiếu thời, từng làm Xá trưởng ( quản lý khách sạn ), ông là người nhiệt tình, siêng năng hiếu học. Lúc đó danh y Trương Tang Quân thường đến ở trọ, được Biển Thước phục vụ chu đáo. Biển Thước có lòng bái sư cầu học. Trương Tang Quân chịu khó truyền dạy nhiều kỹ thuật trị bệnh, đặc biệt là phép xem mạch. Biển thuở dần dần học được y thuật cao siêu.




Biển Thước chu du các nước trị bệnh cho dân chúng. Ông kết hợp kinh nghiệm thực tiễn của bản thân với kinh nghiệm của người xưa hình thành trọn phương pháp chẩn đoán : vọng, văn, vấn, thiết ( xem, nghe, hỏi, bắt mạch ). Đến ngày nay phương pháp này vẫn còn được dùng. Theo truyền thuyết, Biển Thước trị bệnh cho người ta, hễ uống thuốc vào thì bệnh khỏi, vang danh khắp các nước. Người nước Triệu bèn lấy tên danh y thời Hoàng Đế xưa là Biển Thước để đặt danh hiệu cho ông.

Một lần, Biển Thước đến nước Tề, thấy Tề Hoàn hầu, biết được Tề Hoàn hầu mắc bệnh, ông khuyên nên điều trị sớm và nói : " Bây giờ bệnh Ngài không nặng chỉ ở ngoài da trị mau khỏi lắm ". Nhưng Tề hầu không tin. Vài ngày sau Biển Thước thấy bệnh của hầu phát triển nhanh bèn báo động và nói : Bệnh lí của Ngài đã vào huyết mạch nếu không trị e sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tề hầu khinh thường vẫn không chịu điều trị. Sau đó vài ngày Biển Thước vẫn dùng phép vọng chẩn ( xem sắc mặt ), lại nói : " Bệnh của ngài đã xâm nhập vào bộ tiêu hóa, nếu không uống thuốc, sẽ tiếp tục nặng thêm lên ". Tề hầu không tin lời khuyến cáo của Biển Thước nhất định không để cho Biển Thước trị bệnh.

Sau hơn mười ngày, Biển Thước lại nhìn Tề hầu, nhưng lần này không nói lời nào mà bỏ chạy. Tề hầu lấy làm lại sai người đuổi theo hạch hỏi. Biển Thước nói: " Bệnh của Tề hầu nay đã nặng đến độ không còn dùng thuốc được nữa, cho nên tôi không khuyến cáo hầu nữa ". Quả nhiên sau đó không lâu, Tề hầu phát bệnh, sai người mời Biển Thước thì Biển Thước đã rời nước Tề rồi. Lần khác, Biển Thước đến nước Quắc hành nghề, đúng lúc gặp dân đang lo tang sự cho thái tử. Sau khi hỏi thăm rành rẽ, Biển Thước biết rằng thái tử chết vì bạo bệnh mới nửa ngày, còn chưa liệm. Biển Thực căn cứ bệnh trạng suy đoán rằng thải tử có thể mắc chứng Thi Nghịch, không phải chết thật, liền châm một kim vào huyệt Bách hội trên đỉnh đầu. Một chốc sau, thái tử dần dần tỉnh lại. Biển Thước tiếp tục kê đơn cho thái tử uống thuốc để mau bình phục. Mọi người đều cho Biển Thước là thần y.

Biển Thước là một thầy thuốc được nhân dân mến chuộng, vì vậy ông bị bọn lang băm và quan y ganh ghét. Về già, Biển Thước đến nước Tần hành nghề, bị quan Thái y nước Tề là Lý Ê sai người giết hại.

...........................................................................................................

Y Cốt Liên Khoa liên tục mở các khóa Truyền Nghề với hiệu quả cao và rút ngắn thời gian cho những ai đam mê về chữa bệnh không dùng thuốc !!!

🎯 Truyền nghề Nắn Chỉnh Cột Sống - Xương Chậu (TK Cột Sống - Cơ - Xương - Khớp) & Trị Liệu Dưỡng Sinh Đông Y - Đả Thông Kinh Lạc


👉 Học chữa và nắn chỉnh cột sống - nắn chỉnh xương chậu: => TẠI ĐÂY




👉 Học trị liệu dưỡng sinh đông y - đả thông kinh lạc ( thiên hướng chữa và chăm sóc tạng phủ Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận..: => TẠI ĐÂY





🎯CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ QUAN TÂM - ĐỪNG QUÊN LIKE VÀ CHIA SẺ CHO MỌI NGƯỜI BÀI VIẾT BỔ ÍCH!!!
Bản tin Y CỐT LIÊN KHOA
Phương pháp nắn chỉnh cột sống Chiropractic của Mỹ là một phương pháp điều trị không phẫu thuật, điều chỉnh những sai lệch dù là nhỏ nhất trên cột sống..
Các bệnh liên quan đến Cột Sống và Cơ Xương Khớp thời gian ổn định được bao lâu?
Theo Y Cốt Liên Khoa về cơ bản thì đĩa đệm sẽ bị thoái hóa suy mòn sớm và rõ nhất, rồi kế tiếp đến là các thành phần khác của cột sống nói riêng..=> bệnh
Nhược cơ hậu quả của một tình trạng mất liên lạc giữa thần kinh và cơ, nhược cơ cải thiện khi nghỉ ngơi
Tìm hiểu công dụng chữa bệnh tuyệt vời bằng phương pháp Cứu Ngải., Chỉ định và chống chỉ định trong chữa bệnh bằng phương pháp cứu ngải.
Cột sống một chuỗi đốt sống được xếp chồng lên nhau, nối liền đầu với thân và các chi, giúp cho sự vận động của con người trở nên đa dạng, linh hoạt...
Giữa cột sống và gân cơ ngoại vi có một quan hệ rõ rệt liên quan đến hệ thống thần kinh, hệ thống mạch máu và yếu tố thể dịch...
Thoát vị đĩa đệm., Khi nào nên tập trị liệu, khi nào phải phẫu thuật? triệu trứng phổ biến và điều trị bằng cách nào?
Tìm hiểu về các tình trạng bệnh lý của khớp gối., hiểu về tràn dịch khớp gối, khô dịch khớp, đau khớp gối ở người trẻ
Các bệnh đau đầu thường gặp,... Đau giữa đỉnh đầu, Đau cả vùng đầu, Đau hai bên thái dương, Đau đầu buồn nôn do hạ huyết áp
1 2 3 4 5
Tin Nổi Bật
Cơ - xương - khớp - cột sống - xương chậu
xương khớp
Hệ thống động mạch cơ thể người
hệ thống động mạch cơ thể người

 



Nguyễn Chính


Phương pháp

Y Cốt Liên Khoa


Nắn Chỉnh Cột Sống


 Đông Y Trị Liệu

Khai thông Cột Sống

Đả thông mạch máu

Cân bằng hệ Cơ

Nâng tầm vận động

Đả Thông Kinh Lạc chuyên sâu


Hình ảnh khóa học Y Cốt Liên Khoa




 
Học nắn chỉnh xương chậu



 
Bài giảng bài đau cổ vai gáy

 

  Giảng về điều trị chân ngắn, chân dài - xương chậu

 
 
Học giác hơi chuẩn đoán chuyên sâu

học kiểm tra đốt sống lưng, học nắn chỉnh cột sống


 
Học kiểm tra đốt sống lưng

ôn tập về xương cột sống, học nắn chỉnh cột sống
 
Ôn tập về xương cột sống

Video lớp học nắn chỉnh cột sống


Truyền nghề
Nắn chỉnh cột sống - Nắn chỉnh xương chậu


Học Trị liệu Dưỡng Sinh Đông Y    Đả Thông Kinh Lạc chuyên sâu


Các bài viết của website: YCotLienKhoa.com chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán, điều trị và chữa bệnh.
© Copyright 2020